ến ngày nay, thỉnh thoảng tôi vẫn giật mình tỉnh giấc vì mơ thấy mình chuẩn bị vào phòng thi học kỳ với một môn thi nào đó, và bàng hoàng khi nhận ra kiến thức đó mình đã quên hết từ lâu rồi - giấc mơ vẫn cứ luôn vô lý và buồn cười như vậy đấy. Kỳ thi học kỳ ở trường đại học thật là ám ảnh. Chẳng riêng gì tôi, các bạn bè của tôi cũng hay có giấc mơ như thế này dù đã ra trường gần chục năm nay. Nghĩ lại những ngày ấy, tôi bất chợt muốn viết ra đây chia sẻ vài dòng kinh nghiệm dù là của thế hệ sinh viên đã cũ, nhưng hy vọng bản thân những kinh nghiệm này thì chưa cũ.
Bạn bè của tôi, nhiều thằng ôn thi rất căng thẳng nhưng mà kết quả thì chẳng cao, mà chúng nó cảm thấy thất vọng và thậm chí cảm thấy điểm số có gì đó hơi oan uổng, vì chúng nó luôn cho rằng lẽ ra nó phải được điểm cao hơn. Một điều thú vị là hầu hết bạn tôi và chính tôi cũng đều có cảm giác này. Không biết các bạn sinh viên ngày nay có hay gặp phải suy nghĩ như thế mỗi khi nhận kết quả không? Thống kê những người có cảm giác bất mãn về điểm số, tôi nhận ra điểm chung đó là những người này ôn thi “rất chăm”, nhưng quá trình học trong học kỳ thì không nghiêm túc. Hóa ra điểm số cao cũng cần những tích lũy nghiêm túc của cả một quá trình chứ không chỉ là ở sự quyết liệt của những ngày chạy nước rút. Tai nạn về điểm số rất dễ xảy ra. Tôi rút ra kinh nghiệm: tốt nhất là học nghiêm túc luôn từ đầu.
Thế nhưng tôi cũng đã chứng kiến rất nhiều “vận động viên chạy nước rút siêu hạng” ở cuối mỗi học kỳ. Quả đúng là trong quá trình học một vài đứa bạn của tôi học không thực sự nghiêm túc cho lắm, nhưng nó ôn thi thần tốc và đạt điểm số cao đáng nể. Tôi quan sát kỹ cách học của những “vận động viên chạy nước rút” này và nhận ra chúng nó có khả năng tập trung hơn người. Một số sinh viên tuy xác lập một ý chí ôn thi nghiêm túc, nhưng khi bắt tay vào học thì thực sự không sử dụng hiệu quả thời gian mà họ có. Một ngày có 24h, và trừ đi số thời gian ngủ, ăn và nghỉ ngơi khoảng 12h, thì mỗi người còn ít nhất 12h để ôn. Những người thiếu khả năng tập trung thì tuy có ngồi vào bàn học cả chục giờ mỗi ngày, nhưng họ ngồi chỉ để thấy rằng mình đang ôn thi, chứ thực sự đầu óc vẫn thỉnh thoảng vẩn vơ nghĩ về những điều chả liên quan gì đến môn thi cả, hoặc tệ hơn là lăn ra ngủ. Phải nói là ôn thi mùa đông mà được ngủ thì ngủ rất ngon. Mấy ngày nghỉ để ôn cho một môn trôi qua rất nhanh, và ngày cuối cùng trước khi thi, những người ôn thi không tập trung ấy cuống cuồng nhồi nhét. Và kết quả là không bao giờ nhồi kịp... nên nếu may mắn bài thi trúng tủ thì họ sẽ được điểm khá (khoảng 7 hay 8 điểm), còn không may mà không trúng tủ thì coi như xác định thi lại hoặc chấp nhận đủ điểm qua môn đã là may. Ngược lại những vận động viên chạy nước rút siêu hạng mà tôi học hỏi được thì thấy họ tận dụng triệt để tuyệt đối 12h ôn thi mỗi ngày. Kể ra cũng có lý của nó, khi mà một môn học với khoảng 3 học trình, tương đương 45 tiết học, tức là khoảng hơn 31h học trên giảng đường, thì sinh viên chúng tôi ngày ấy thường được 3 tới 4 ngày ôn thi, tức là tương ứng với 31h học của môn học đó, chúng tôi có 1h để ôn cho mỗi một giờ học trên lớp và chia cho 3 ngày. Như vậy thì có thể đủ kịp để nhồi hết những gì đã ghi chép và tài liệu phải học của môn đó nếu tận dụng triệt để 12h ôn thi mỗi ngày. Kể ra thì vẫn có khả năng về đích thật khi mà có 36h để học học những gì ghi chép và cả nghe giảng trong 31h. Tôi nhìn mấy thằng bạn vốn dĩ vẫn giỏi môn chạy nước rút này ôn thi mà kính nể. Chúng nó chẳng nói chuyện với ai câu nào, chỉ cắm đầu vào sách vở của chúng nó, và thỉnh thoảng nhìn đồng hồ xem trong khoảng thời gian đã trôi qua đó nó học được bao nhiêu để tiếp tục phân bổ thời gian cho phần còn lại. Chúng nó chạy đua từng phút ngay từ ngày đầu tiên của giai đoạn ôn thi. Và kết quả là điểm chúng nó vẫn cao ở một mức độ chấp nhận được. Tôi hỏi chúng nó bí quyết tập trung cao trong thời gian dài là như thế nào? Câu trả lời chung mà tôi nhận được đó là: “hãy nghĩ trong mỗi giây cậu bắn được bao nhiêu lần tư duy của mày vào bài học”. Lúc nào chúng nó cũng tìm cách nâng cường độ của những “cú bắn tư duy” vào những dòng tài liệu ôn thi lên tối đa thì tự nhiên khả năng tập trung lên rất cao. Hãy quên mọi lo lắng đi. Lúc đó chỉ cần quan tâm tới cường độ tư duy của mình. Và khi sự tập trung trở nên cực cao thì thời gian sẽ trôi cực chậm, và một giờ trôi qua bạn sẽ học được rất nhiều. Bí quyết là ở đây: khi cường độ tập trung tư duy cực cao thì thời gian sẽ trôi cực chậm. Và hãy tận dụng tất cả số ngày, số giờ ôn thi mà bạn có. Khi trở nên quá mệt do tập trung cao, hãy nghỉ ngơi và có thể là hãy ngủ sâu một giấc ngắn rồi dậy học tiếp. Giấc ngủ là công cụ hỗ trợ tuyệt vời cho trí nhớ. Và khi tỉnh dậy thì hãy học ngay lập tức, vì thời gian đang cạn dần. Lại tiếp tục trò chơi nâng cao cường độ của những cú bắn tư duy vào từng trang tài liệu phải ôn.
Một kinh nghiệm thú vị nữa mà những vận động viên chạy nước rút siêu hạng này chia sẻ đó là đừng bao đánh mất tổng thể của môn học. Tập trung là thiết yếu. Nhưng luôn phải biết tổng thể môn học mình phải học là gì, các phần liên quan tới nhau như thế nào, và quan trọng nhất là trọng tâm của môn học nằm ở đâu... Sau này khi các phần mềm máy tính đã phát triển hơn, tôi thấy những vận động viên này hay sử dụng “bản đồ tư duy” (bạn có thể tìm cái này qua Google với từ khóa là Mindmapper để cài lên máy tính và sử dụng). Bản đồ này cho phép những người ôn thi cấp tốc chủ động tổ chức và nhìn được toàn bộ môn học và các loại tài liệu phải nắm vững, cũng như kết cấu của từng chương, từng bài học và sự liên quan đến nhau giữa chúng. Chính nhờ có công cụ giúp người học có cái nhìn trực quan từ tổng thể đến chi tiết và những móc nối cần thiết trong các loại tài liệu của từng môn học... đã giúp cho các vận động viên chạy nước rút này không bị sai đường hay đánh mất sự tập trung. Kinh nghiệm cho thấy, khi người ta tập trung cao độ trong một thời gian dài, thì người ta mất khả năng kiểm soát toàn diện các vấn đề một cách tổng thể, nên việc học rất dễ bị nhầm lẫn hoặc quên các phần quan trọng. Một công cụ trực quan, chỉ nhìn vào là thấy mọi thứ với màu sắc và minh họa sinh động, sẽ giúp người học ở cường độ cao không bị vất vả tìm kiếm và sắp xếp lại các chùm nội dung và tài liệu mà họ đang ôn. Cũng chính vì luôn nắm được tổng thể gồm bao nhiêu vấn đề, mà những sinh viên chạy nước rút này thường phải nhìn đồng hồ để đánh giá mỗi giờ họ học được bao nhiêu, và còn bao nhiêu thời gian cho những vấn đề chưa học đến... Bằng cách đó họ vẫn ôn thi tốt kỳ thi của mình, và điểm số vẫn có thể đạt được như ý muốn. Nhưng có một điều đáng tiếc là họ sẽ quên ngay mọi kiến thức ngay sau ngày thi dù họ đã ôn một cách rất vất vả.
Tóm lại, chỉ tập trung ôn trong tháng cuối cùng của học kỳ là một điều không tốt. Nhưng nhiều người dù biết thế vẫn rơi vào tình trạng này ở hầu hết mọi học kỳ của đời sinh viên. Nhưng dành cho những ai đã lỡ rơi vào tình trạng này, tôi xin chia sẻ vài kinh nghiệm của thế hệ cũ, và hy vọng nó chưa quá cũ cho các bạn sinh viên hiện tại để có thể dùng. Một cách ngắn gọn thì có thể tóm tắt kinh nghiệm của những vận động viên chạy nước rút siêu hạng này như sau: 1 - vạch ra tổng thể rõ ràng; 2 - tập trung tuyệt đối cho từng giờ ôn thi 3 - bỏ ra khỏi đầu mọi lo toan mà thay vào đó là cuộc đua thú vị của những lượt bắn tư duy cường độ cao vào tài liệu 4 - và luôn tính giờ cho từng chặng ôn luyện để kịp học những gì quan trọng nhất. Mong rằng những chia sẻ này của tôi có ích cho các bạn.